Luận bàn về việc thiết lập giá trần vé máy bay

Hậu Covid-19, khi các nền kinh tế đang từng bước phục hồi một cách chậm chạp đầy thận trọng, cộng với việc các quốc gia phát triển thực hiện mạnh mẽ các chính sách tiền tệ thắt chặt nhu cầu chi tiêu của người dùng ngày càng giảm và chi tiêu đối với ngành du lịch qua đó cũng bị tác động trực tiếp. Đối với ngành du lịch chi tiêu trong cấu phần vận chuyển đặc biệt di chuyển bằng phương tiện máy bay với các doanh nghiệp lớn tại Việt Nam như Vietnam Airline, VietJet, Viettravel, Bamboo Airline đều bị tác động nặng nề.

Tổng quan tình hình du lịch của năm 2023, trong đó thị trường du lịch đến từ khách nước ngoài duy trì ổn định khoảng gần 1 triệu lượt khách hằng tháng trong 10 tháng đầu năm 2023, chi tiết hơn tác giả có xây dựng một biểu đồ thể hiện sự phân bổ đối với tập khách du lịch nước ngoài thể hiện dưới biểu đồ 01

Biểu đồ 01: Thống kê phân bổ khách nước ngoài đến Việt Nam (nguồn tổng cục thống kê)

Trong khi đó đối với du lịch nội địa, vẫn thể hiện tính thời vụ khi khách tập trung vào giai đoạn nghỉ hè (tháng năm, tháng sáu)

Biểu đồ 02: Thống kê lượt khách du lịch nội địa Việt Nam 2023 theo tháng (nguồn tổng cục thống kê)

Với động lực nội tại đến từ nhu cầu di chuyển của khách du lịch nội địa là một trong những nguồn thúc đẩy sự phục hồi của ngành hàng không, tuy nhiên với chính sách quy định giá trần vé máy bay nội địa, liệu nhà nước đã có đang đẩy các doanh nghiệp hàng không đã khó khăn lại càng khó khăn hơn ? Đối với góc nhìn của Chính Phủ, ngành kinh doanh hàng không là một ngành kinh doanh đặc thù và thị trường hiện không có nhiều đơn vị cung cấp, qua đó dễ cấu thành độc quyền nhóm, dẫn đến thất bại của thị trường đặc biệt đối với lĩnh vực vận chuyển bằng đường hàng không hiện là một trong những nhu cầu cấp bách và quan trọng đối với tất cả mọi thành phần và ngành nghề. Dẫn chứng của Bộ giao thông vận tải (GTVT): “Bộ GTVT cho rằng, vận chuyển hàng không là một trong những dịch vụ tác động lớn tới đời sống người dân và nền kinh tế. Nếu không có giá trần vé máy bay, nhà nước sẽ không còn điều tiết giá, các hãng hàng không toàn quyền quyết định giá vé. Khi đó, các hãng hoàn toàn có thể đưa ra giá vé ở mức cao, nhất là một số tuyến có cạnh tranh hạn chế, hoặc giai đoạn cao điểm. Việc đẩy giá vé máy bay này làm ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng.”

Đây là một chính sách và sự can thiệp cần thiết của Nhà Nước, tuy nhiên đã có những thất bại của nhà nước trong việc thực thi chính sách này, đặc biệt là trong việc ban hành các điều chỉnh, thay đổi về mức giá trần để hỗ trợ các doanh nghiệp hàng không phục hồi sau giai đoạn Covid. Việc mức giá trần đã được duy trì gần 08 năm trước khi có dự thảo về điều chỉnh thay đổi và mới được thông qua gần đây được thể hiện ở trong Thông tư số 34/2023 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 17/2019 của Bộ trưởng Bộ giao thông vận tải ban hành các mức giá đối với các đường bay nội địa chi tiết là các đường bay có khoảng cách dưới 500km có mức giá trần là 1.600.000 đồng/vé/chiều với đường bay phát triển kinh tế – xã hội và 1.700.000 đồng/vé/chiều với các đường bay khác. Cụ thể, với đường bay từ 500 km đến dưới 850 km có mức giá trần là 2.250.000 đồng/vé/chiều; Đường bay có khoảng cách từ 850 km đến dưới 1.000 km có giá vé tối đa là 2.890.000 đồng/vé/chiều; Đường bay từ 1.000 km đến dưới 1.280 km có giá trần là 3.400.000 đồng/vé/chiều và đường bay có khoảng cách từ 1.280 km trở lên là 4.000.000 đồng/vé/chiều. Như vậy có thể thấy mức giá trần sẽ giao động từ 1.600.000 đến 4.000.000 đối với các đường bay nội địa – tính ra chi phí di chuyển trên 1km đối với loại hình hàng không chỉ với mức giá từ 3,000 tới 4,000 cho một Km, vậy thì doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực này có thể sinh lời và tồn tại được ? Lấy Vietnam Airline như là một minh chứng, đã có những phản hồi của ban lãnh đạo về những khó khăn khi hoạt động kinh doanh hậu đại dịch khi Chính Phủ can thiệp và chậm thay đổi mức giá trần trong lúc đó chi phí nhiên liệu vẫn gia tăng và chiếm tỉ trọng lớn trong cơ cấu chi phí vận hành. Với các số liệu về tình hình kinh doanh, kết thúc nửa đầu năm 2023, ghi nhận doanh thu khoảng 44.059 tỉ đồng, tuy nhiên mức lỗ sau thuế 1.295 tỉ đồng. Đáng nói, nếu tính theo quý, Vietnam Airlines đang có chuỗi 14 quý thua lỗ liên tiếp (bắt đầu từ quý I/2020 – đến quý II/2023).

Biểu đồ 03: Lợi nhuận sau thuế Vietnam Airline giai đoạn QI 2020 tới quý II 2023 (nguồn báo Laodong.vn)

Với các chỉ số tài chính rất xấu đang ảnh hưởng đến khả năng niêm yết của cổ phiếu Vietnam Airline (mã cổ phiếu HVN) như lỗ sau thuế 14 quý liên tiếp, lỗ lũy kế hơn 1,4 tỉ USD, âm vốn chủ sở hữu, nợ phải trả vượt tổng tài sản, nợ ngắn hạn vượt tài sản ngắn hạn. Và mới gần đây vào ngày 29 tháng 12 năm 2023, cuối cùng cũng tổ chức được họp đại hội cổ đông cũng như đã có những đề xuất điều chỉnh chính sách nhằm hỗ trợ việc duy trì niêm yết mã chứng khoán của Vietnam Airline (được thể hiện trong trong dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 155/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chứng khoán, khoản mục hủy niêm yết bắt buộc đã được bổ sung điều Khoản 7, quy định “Trường hợp đặc biệt cần duy trì niêm yết do Chính phủ xem xét, quyết định”.)

Áp dụng kiến thức kinh tế vi mô, tác giả ủng hộ việc nhà nước can thiệp trong việc quy định giá trần với giá vé hàng không nội địa nhằm giảm thiểu tác động của lợi ích nhóm, tuy nhiên để triển khai chính sách này một cách toàn diện và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp hàng không nơi hiện đang cung cấp công ăn việc làm lớn cho toàn xã hội cũng như là một mắt xích quan trọng đối với các ngành kinh doanh khác, tác giả có các đề xuất đối với việc ban hành và thực thi chính sách này:

  • Xác định rõ việc quy định mức giá trần theo các tuyến bay được xác định có nguy cơ độc quyền nhóm. Với các đường bay nhiều hãng hàng không khai thác, việc quy định mức giá trần sẽ cản trở sự sắp xếp của thị trường (cung cầu) qua đó ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ có thể cung cấp đến cho khách hàng. Vì hạn chế ở mức giá trần dẫn đến chất lượng dịch vụ các hãng cung cấp cũng có hạn chế, trong khi nhu cầu của người tiêu dùng có thể rất cao đối với loại hình di chuyển với mục đích du lịch trong nước.
  • Cần xác định khung thời gian đánh giá lại mức giá trần, hoặc thời gian điều chỉnh mức giá định kì (mỗi 03 tháng hoặc mỗi 06 tháng) nhằm cập nhật đối với biến động của thị trường nhiên liệu khi hiện tại biên độ thay đổi giá rất cao vì các yếu tố chiến tranh, bất ổn về chính trị là các tác nhân mà các doanh nghiệp hàng không khó có thể kiểm soát. Để khách quan trong việc đánh giá định kì, tác giả cũng đề xuất thành lập một tổ giám sát và có quy định rõ ràng về các tác nhân cấu thành mức giá vốn đối với việc vận hành các đường bay bị ràng buộc mức giá trần, qua đó việc biến động về các yếu tố đầu vào sẽ được phản ánh thực tế và cập nhật hơn.
  • Trong các hoàn cảnh đặc biệt như dịch bệnh, thiên tai dẫn đến những tổn thất lớn và kéo dài đến các loại hình kinh doanh chủ đạo, trong đó có kinh doanh vận tải hàng không, nhà nước sẽ có các chính sách hỗ trợ gia giảm, hoặc tiếp cận các nguồn vốn với lãi suất ưu đãi. Hầu hết các doanh nghiệp kinh doanh đều hoạt động dựa trên hình thức thuê tài chính với các tàu bay (qua đó chi phí lãi vay là một trọng số quan trọng trong báo cáo tài chính) và khi các nền kinh tế điều chỉnh các chính sách thắt chặt tiền tệ trực tiếp lại càng tạo thêm nhiều áp lực lên các doanh nghiệp này.
  • Đối với các giai đoạn mùa vụ có yếu tố văn hóa ví dụ như tết nguyên đán, các dịp lễ quốc khánh, kỉ niệm đất nước, chính sách áp dụng giá trần vẫn cần xuất hiện nhằm đóng vai trò điều tiết thị trường nhằm đảm bảo cơ hội di chuyển về thăm quê, gia đình đối với đồng bào, đặc biệt là đối với lực lượng lao động trong khu vực khu công nghiệp, sản xuất ở các trung tâm, thành phố trọng điểm.

Việc điều tiết chính sách giá của nhà nước luôn là một trong những vai trò quan trọng nhằm đảo bảo sự công bằng và vận hành ổn định của một quốc gia, những mặt hàng có yếu tố thiết yếu hoặc đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế như lĩnh vực vận tải hàng không trong giai đoạn sắp tới vẫn sẽ là đối tượng chủ đạo được quan sát và can thiệp. Bên cạnh đó vẫn cần có những thảo luận giữa các bên liên quan đặc biệt là lắng nghe các đề xuất của các công ty kinh doanh trong lĩnh vực này, hiện tại trong khu vực duy nhất chỉ còn mỗi Việt Nam vẫn còn áp đặt mức giá trần đối với các chuyến bay nội địa và vì thế cũng trực tiếp cản trở đến sự phát triển dịch vụ hàng không khi các hãng ngại đầu tư các chuyến bay hạng sang (first class) trong nước trong khi nhu cầu vẫn tồn tại trong xã hội. Tác giả ủng hộ việc duy trì chính sách áp đặt giá trần bên cạnh các đề xuất cần thực hiện như tăng tần suất đánh giá lại về tính hợp lý của mức giá trần, xác định các đường bay cần phải áp đặt mức giá trần cũng như trong các trường hợp bất khả kháng cần nhanh chóng cung cấp các giải pháp, phương án hỗ trợ các doanh nghiệp kinh doanh lĩnh vực hàng không để qua đó đảm bảo chất lượng dịch vụ vận chuyển mà các đơn vị cung cấp đồng hành với việc xây dựng một môi trường kinh doanh hiệu quả với lĩnh vực trọng điểm này.

Tài Liệu Tham Khảo

  1. https://tienphong.vn/bo-giao-thong-neu-ly-do-phai-kiem-soat-tran-gia-ve-may-bay-noi-dia-post1545312.tpo#:~:text=N%E1%BA%BFu%20kh%C3%B4ng%20c%C3%B3%20gi%C3%A1%20tr%E1%BA%A7n,ho%E1%BA%B7c%20giai%20%C4%91o%E1%BA%A1n%20cao%20%C4%91i%E1%BB%83m.
  2. https://laodong.vn/kinh-doanh/vietnam-airlines-thua-lo-14-quy-lien-tiep-no-nguoi-lao-dong-hon-1155-ti-dong-1246337.ldo
  3. Thông tư 17/2019 – về việc điều chỉnh giá trần của các đường bay nội địa
  4. Thông tư 34/2023/TT-BGTVT có hiệu lực từ ngày 1/3/2024.
  5. Các số liệu của Tổng Cục Thống Kê (về lượt khách du lịch tới Việt Nam)

Published by Hung Tran

Sociable, humorous and 1% improvement believer

Leave a comment